3 sai lầm biến bạn thành bố mẹ tồi

http://dlcuocsong.blogspot.com/2013/11/3-sai-lam-bien-ban-thanh-bo-me-toi.html
Ai cũng hiểu, trẻ con cần kỷ luật để uốn nắn hình
vi, nhưng sai lầm của cha mẹ có thể hình thành trong quá trình dạy con với một
cái đầu nóng.
1. Biến ngôi nhà thành trại khóa
Hẳn nhiên ai cũng hiểu, không nên để trẻ tuổi tập đi
ở lại một mình với dao kéo hay dụng cụ dọn nhà. Nhưng nếu bạn còn khóa cả tủ đựng
đồ để đối phó với đứa con 6 tuổi thì đó lại là vấn đề đấy.
Ngôi nhà cần mang lại cho các thành viên cảm giác về
tổ ấm đúng nghĩa, không phải trại giam. Nếu nhận thấy bản thân đang lạm dụng
các loại khóa: Cho tủ lạnh, lò vi sóng, nhà bếp, cùng mấy loại khóa khác nhau ở
cửa chính, thì bạn cần một chiến lược làm cha mẹ khác rồi.
Rõ là sẽ rất bực mình nếu bé “ăn vụng” hết bánh kẹo
trước khi Tết đến và bạn chẳng còn gì để tiếp khách, nhưng bạn khóa tủ đựng
bánh kẹo không phải là cách dạy cho con có hành vi đúng, đó đơn giản chỉ là sự
cấm đoán mà thôi. Hãy nghĩ dài hơn, thay vì cấm, bạn nên dạy con hiểu rằng luôn
có hậu quả đi theo sau những hành động chúng ta làm.
2. Không thực hiện lời nói
Các con có tin bạn không? Chúng có biết rằng bố mẹ
chắc chắn sẽ làm những gì đã nói? Hay cảnh thường thấy ở gia đình bạn là: “Đừng
có để mẹ phải tịch thu ô tô của con”. Rồi mười phút sau, bạn lại hét lên: “Nếu
con không thôi làm ồn, mẹ sẽ thu ô tô đấy!”.
Mẹ tôi là người thực hiện rất tốt lý thuyết luôn giữ
lời đã nói. Mẹ không chỉ thu ô tô đồ chơi mà còn… bắt hai chị em tôi ra khỏi xe
để giải quyết cho xong việc tranh giành của hai đứa. Tôi đã sợ hãi đôi chút vì
khi ấy đang trong chuyến đi nghỉ của gia đình và xe phải đỗ lại giữa đường đèo
vì chuyện tranh giành nheo nhéo. Có đến vài xe đã đỗ lại dọc đường hỏi chúng
tôi có gặp vấn đề gì cần giúp đỡ không. Mẹ chỉ trả lời: “Không, các con tôi
đang học cách sống với nhau hòa thuận”.
Sẽ tốt hơn nếu bạn ngừng việc riêng của mình lại,
dành chút thời gian nói với con rằng bạn đang nghĩ đến một kết cục tốt hơn nếu
bé làm thế này, thế kia, chớ gào lên những câu dọa dẫm vô nghĩa mà bé biết bạn
chẳng bao giờ thực hiện như: “Nếu con còn hét nữa, mẹ tát vào mồm nhé!”.
3. Mẹ gào, con gào, chúng ta đều gào
Nhưng chờ đã, gào thét vì cái gì cơ chứ? Một nghiên
cứu từ ĐH Pittsburgh đã cho thấy, gào lên với bọn trẻ là việc làm vô cùng tai hại.
Thực ra tất cả chúng ta đều biết điều đó, song đây có thể là một trong những
thói quen khó xóa bỏ nhất. Đơn giản vì, bọn trẻ luôn có lý do để làm bạn phát
điên. Ví dụ nôn hết cả ra giường khi bạn vừa mới thay ga chẳng hạn.
Khi những khoảnh khắc “sôi sùng sục” này xuất hiện,
đừng ngần ngại cho mình khoảng thời gian time out. Hãy chạy vào một phòng và
đóng cửa lại. Bạn cần mang theo ít sô cô la. Cứ làm gì bạn muốn, mục đích là
không để bản thân nổi nóng.
Bỏ những thói quen tiêu cực trong việc dạy con chính
xác là một thử thách. Đừng đặt nặng áp lực lên bản thân. Bạn vẫn có thể thi thoảng
phạm lỗi và đi ngủ với cảm giác mình là “bà mẹ phát xít”, nhưng hãy cố gắng lại
vào ngày hôm sau. Nghe nói để tạo ra một thói quen, bạn cần đến 30 ngày để duy
trì hành động đó.